Nhân quả báo ứng là bài học giá trị nhất để cảnh tỉnh thế nhân

0
1941

Trên đời này, ‘thiện ác hữu báo’ chính là lẽ công bằng của vũ trụ. Người hành thiện sẽ đắc phúc báo, hành ác sẽ phải nhận quả báo, xưa nay chưa hề sai lạc, nó cũng là bài học có giá trị nhất để cảnh tỉnh thế nhân.

thiện niệm, thiện ác hữu báo, nhân qủa,

Nhân quả báo ứng là quy luật bất biến của vũ trụ, là bài học giáo dục có giá trị. (Ảnh: DeviantArt)

Có một gia tộc nọ, trong lần đi tảo mộ tổ tiên vào dịp tiết Thanh Minh, đã vô ý cắt hết những cây cỏ dại và những cây gỗ nhỏ ở xung quanh mộ. Chẳng ai ngờ, hành động đó lại gây ra một hậu quả không thể tượng tượng được. Đó là chỉ trong vòng một năm, gia tộc này đã có đến 4 người chết.

Tôi hỏi ông nội, gia tộc đó bỗng nhiên có nhiều người chết như vậy là do đâu? Ông nội nói, lúc ban đầu mọi người cũng không biết là vì sao. Sau đó, gia tộc này mới đi tìm thầy bói hỏi cho rõ, mới biết được rằng, những bụi cỏ dại ở trước mộ kia chính là “long mạch”, không thể cắt đi được. Nếu cắt đi, các thành viên trong gia tộc tất sẽ xảy ra chuyện.

Lúc ấy tôi nghe xong, cho rằng đây là điều mê tín, tôi hỏi lại ông: “Trên đời này thực sự có cái gọi là phong thủy hả ông?”.

Ông nội nói rằng: “Trên đời có một số sự tình là không thể dùng khoa học để giải thích. Dùng khoa học mà nói không rõ, thì người ta lại nói đó là mê tín. Nhưng sự thật thì không phải như vậy”.

Tôi cảm thấy câu nói của ông nội rất có trí tuệ, ông không bài xích khoa học, ông cho rằng trên thế giới có một số điều mà khoa học không thể nói rõ ràng được, nhưng không phải là những điều này không tồn tại. Đối với những thứ mà khoa học giảng không rõ ràng, ông không hề cho đó là mê tín mà bài xích hay đắc tội. Theo tôi thấy, đây mới là trí tuệ, có thể giúp bản thân và người nhà được bình an.

Thời Bắc Tống, có một nhà thơ nổi tiếng tên Thiệu Ung, ông còn được biết đến với rất nhiều lời tiên đoán chuẩn xác phi thường. Vào một buổi tối, Thiệu Ung cùng đứa con trai đang dạo bước trên cầu ngắm trăng, bỗng nhiên gió lạnh nổi lên tứ phía, nhìn lên bầu trời, Mặt trăng đã bị mây đen che khuất. Chỉ một lát sau, trong những đám mây truyền đến tiếng chim cuốc nghe tang thương sầu thảm, thống khổ vô cùng. Thiệu Ung lập tức cảm thấy lo lắng.

Đứa con trai thấy vậy, mới hỏi vì sao sắc mặt ông lại trở nên nghiêm trọng đến thế? Thiệu Ung nói: “Chim cuốc là loài chim phía Nam, từ vùng Lạc Dương trở về đây là không có, nhưng hôm nay chúng lại bay tới, trong thiên hạ tất có chuyện đại loạn”.

Thiệu Ung còn nói: “Căn cứ vào kinh nghiệm xa xưa, khi thiên hạ yên ổn, thì không khí sẽ chuyển từ Bắc vào Nam, nếu loạn lạc thì sẽ từ Nam ra Bắc. Vài năm nữa, đại Tống tất sẽ có đại nạn”.

Không lâu sau, cả nhà Thiệu Ung rời đi Tây Thục, may mắn thoát khỏi chiến loạn khi nước Kim xâm chiếm phía Nam. Bởi vậy, hậu nhân mới truyền nhau câu: “Thiệu Khang Tiết nghe tiếng chim cuốc biết thiên hạ sắp loạn”.

Thiệu Ung thực sự là một người có trí tuệ phi thường, ông tinh thông về phong thủy, có thể thông qua một vài hiện tượng tự nhiên mà đoán biết được sự biến hóa trong thiên hạ, vậy nên mới giữ được mạng sống của chính mình và gia quyến.

Phong thủy là môn khoa học bác đại tinh thâm, là một loại học vấn rộng lớn đầy trí tuệ. Nhưng người thời nay xem thường phong thủy đoán mệnh, coi đó là hành vi mê tín phong kiến, chính tư tưởng đó khiến họ bị phong kín trong lối tư duy của khoa học hiện đại mà không thể đột phá xa hơn.

thiện niệm, thiện ác hữu báo, nhân qủa,

Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt, thiện ác không phải là không báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi. (Ảnh: Pinterest)

Cổ đại còn có câu chuyện về Tống Giao dùng cành trúc cứu đàn kiến. Tống Giao cùng người em trai Tống Kỳ từng ở cùng một tăng nhân. Vị tăng nhân này rất giỏi về thuật xem tướng, nói rằng Tống Kỳ về sau sẽ làm đại quan, thăng tiến rất nhanh, còn Tống Giao trong cuộc thi khoa cử cũng sẽ có được chút thành tựu.

Mười năm sau, hai anh em tham gia cuộc thi, lúc giữa đường lại gặp được vị tăng nhân xưa. Vị tăng nhân kinh ngạc, nói tướng mạo Tống Giao hoàn toàn không giống với lúc trước, thần thái sáng láng, tựa như đã từng cứu sống được hàng vạn sinh linh vậy. Tăng nhân mới hỏi Tống Giao có từng làm việc gì tích được đại đức như vậy hay không.

Tống Giao suy nghĩ một lát rồi nói: “Bên cạnh thư phòng của tôi có một tổ kiến, trong một hôm mưa lớn, nước chảy ngập tổ kiến, tôi đã lấy một cành trúc để giúp cho đàn kiến bò qua”.

Tăng nhân nói: “Đúng là việc này rồi”. Cũng bởi Tống Giao đã làm được chuyện tốt như vậy, nên về sau đã đỗ đạt trạng nguyên.

Câu chuyện này nói rõ, trong cõi vô minh, họa hay phúc đều có nguyên nhân của nó. Cũng nói rõ, trên đời này mọi sinh mệnh đều rất đáng quý, cần trân trọng, không nên làm tổn thương chúng, như vậy chẳng những giúp được chúng, cũng tích cho mình một chút phúc phận.

Còn có một câu chuyện tương tự. Có một tên buôn người đã dụ dỗ được một bé trai 4 tuổi. Trên xe lửa, đứa trẻ không giống những đứa trẻ khác thường vùng vẫy quấy khóc, mà một mực gọi kẻ buôn người là chú, còn đòi chú kể chuyện cho nghe.

Cậu bé nói: “Chú à, có phải con của chú cũng hay đòi chú kể chuyện cho nghe, mới chịu đi ngủ đúng không?”. Những lời này của cậu bé đã động tới tâm can của tên buôn người, hắn cũng từng có một đứa con gái 5 tuổi, mỗi ngày đều quấn quýt đòi hắn kể chuyện. Thế rồi, hắn quyết định đưa đứa trẻ trở về nhà của nó, hơn nữa, anh ta còn quyết định đi đầu thú. Sau khi vụ án được phá, mặc dù tất cả các nghi phạm khác đều bị xử tử hình, chỉ có hắn bị phán án 15 năm, nhưng rốt cuộc vẫn là có cơ hội được sống tiếp.

Câu chuyện này đã nói rõ, mỗi người đều có cái tâm biết đồng cảm, biết phải trái, chỉ là những người xấu thì cái tâm này thường bị bao phủ, bị che đậy kín. Chỉ trong tình huống đặc thù, cái tâm biết đồng cảm, biết phải trái của kẻ xấu được thức tỉnh, người đó mới thay đổi, bỏ ác theo thiện. Đồng thời một lần nữa chứng minh đạo lý: Thế giới này luôn tồn tại nhân quả báo ứng. Kẻ buôn người kia, lựa chọn cái thiện, buông bỏ cái ác, nên mới cứu vãn được tính mạng của mình, cũng cứu vãn được linh hồn mình.

Có câu nói rằng: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Người đang làm, Trời đang nhìn, tất cả hành vi và từng ý niệm của con người đều có Thần linh giám sát, ai ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi và lời nói của bản thân mình.

Người xưa tin vào Thiện lý, rằng làm việc thiện hay ác đều có báo ứng, nhân quả tất công minh. Bởi vậy, họ luôn lấy đạo đức để ước thúc bản thân, tự nhủ phải hành thiện tích đức, tránh làm điều ác tích nghiệp cho đời sau.

Nhưng vì sao vẫn có kẻ ác nhân không phải chịu báo ứng? Đó là bởi lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt, thiện ác không phải là không báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi. Có những kẻ ác sống ung dung nhàn hạ là để chờ đến ngày chịu tội, lại cũng có người lương thiện chịu đọa đày là để tiêu trừ nghiệp chướng, đời sau sẽ được sống tốt hơn.

Vạn sự vạn vật trên thế gian không hề ngẫu nhiên, hết thảy đều có an bài trong đó. Con người nếu có thể gìn giữ đạo đức và lương tri, trong tâm luôn tồn giữ thiện niệm, lấy Chân Thiện Nhẫn để ước thúc bản thân mình, mới là thuận theo Thiên đạo. Đây cũng là lựa chọn sáng suốt nhất của con người để có được một tương lai tốt đẹp.

Tuệ Tâm biên dịch