Phong thủy bị trấn yểm và sự “đoản mệnh” của 6 triều đại phong kiến Trung Quốc

0
2020

Sáu vương triều đoản mệnh trên đất cố đô

Trong lịch sử Trung Quốc, Nam Kinh từng là kinh đô của 6 triều đại phong kiến.

Năm 221, Ngô vương Tôn Quyền từng ở Thạch Đầu Sơn (Kim Lăng ấp – Nam Kinh ngày nay) cho xây dựng Thạch Đầu Thành. Năm 229, Nam Kinh trở thành kinh đô, tên gọi là “Kiến Nghiệp”, chu vi khoảng 11km. Đây là dấu mốc đánh dấu việc lần đầu tiên Nam Kinh trở thành kinh đô của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Sau khi Tấn diệt Ngô, vào năm Thái Khang thứ ba (năm 282), nơi đây được đổi tên từ “Kiến Nghiệp” thành “Kiến Nghiệp” (Dù cách đọc giống nhau nhưng “nghiệp” trong hai cái tên này khác nhau về cách viết và ý nghĩa).

Vào năm Kiến Hưng thứ nhất (năm 313), vì tránh kỵ húy, Tư Mã Nghiệp đổi lại thành “Kiến Khang”.

Sau khi Ngũ Hồ Loạn Hoa (loạn “Thập lục quốc”) hình thành, Tây Tấn diệt vong. Vào năm Kiến Võ thứ nhất (năm 317), Tư Mã Duệ chọn Kiến Khang làm kinh đô, thành lập nhà Đông Tấn (317 – 420). Nam Kinh từ đó cũng trở thành trung tâm văn hóa chính thống của Trung Hoa.

Sau nhà Đông Tấn, Tống triều (420 – 479), Tề triều (479 -502), nhà Lương (502 – 557), nước Trần (557 – 589) đều lần lượt chọn Nam Kinh làm kinh đô, sử cũ gọi là Nam triều. Bốn triều đại này trước đây cùng Ngô, Tấn xưng là “Lục Triều”.

Nam Kinh nằm giáp với phía Tây Bắc của Trường Giang, phía Đông có “Long bàn” Tử Kim Sơn, phía Tây có “Hùng cứ” Thanh Lương Sơn, phía Bắc có Huyền Vũ hồ, phía Nam có Vũ Hoa Thai. Tứ phía có sơn thủy vây quanh, địa thế vô cùng hiểm yếu.

Về phong thủy của cố đô này, quân sư Thục quốc Gia Cát Lượng khi tới Kim Lăng cổ thành (Nam Kinh) đã từng cảm thán: “Chung Sơn long bàn, thạch đầu hổ cứ, chân nại đế vương chi trạch dã”, ý rằng nơi này núi Chung thế rồng cuộn, đá hình hổ phục, thật là chốn đế vương vậy.

Tuy nhiên có một điều kỳ lạ là, mặc dù Nam Kinh vương khí ngập tràn, nhưng các vương triều định đô ở đây đều tồn tại nhiều nhất là khoảng 100 năm trước khi bại vong.

Nhà Đông Ngô tồn tại được 69 năm, triều Đông Tấn kéo dài 102 năm, nhà Nam Tống chỉ có 59 năm, nước Tề chỉ duy trì được 23 năm, nhà Lương kéo dài 55 năm, và nhà Trần tồn tại trong 32 năm.

Vào cuối thời nhà Thanh, nhà nước Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn tự thành lập đã chọn Nam Kinh làm thủ phủ, nhưng cũng chỉ duy trì được 9 năm.

Giải thích về sự lụi bại nhanh chóng của các triều đại định đô tại Nam Kinh, có hai giả thuyết được lưu truyền phổ biến.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng Sở vương đã chôn vàng tại nơi đây để trấn vương khí, làm mất thế phong thủy cùng vùng đất này. Một giả thuyết khác lại khẳng định người đã chặt đứt mạch địa, cắt đứt long khí của cố đô Nam Kinh không ai khác chính là Tần Thủy Hoàng.

Sở vương chôn vàng để “trấn vương khí”

Vào thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc, vùng đất này lúc đầu thuộc sở hữu của Ngô vương Tôn Quyền, sau này lại bị Việt vương chiếm giữ. Tiếp đó, Sở vương đánh đuổi Việt vương, đóng quân ở bờ sông Sư Tử Sơn.

Có lần, Sở vương muốn dò xét lãnh thổ của mình, liền leo lên Sư Tử Sơn. Nhìn bao quát bốn phía, thấy nơi đây phong cảnh hùng vĩ, tráng lệ, Sở vương hết sức vui vẻ. Thế nhưng sắc mặt ông nhanh chóng trầm xuống.

Các đại thần vội hỏi nguyên nhân, Sở vương lúc đấy mới phiền não mà nói: “Nơi này phong cảnh tuy tốt, nhưng vương khí quá thịnh!”.

Các đại thần rất muốn giải quyết vấn đề này, vì không thể để cho nơi đây sản sinh ra một bậc đế vương khác. Sau khi họp bàn để đưa ra biện pháp, có vị pháp sư đã nghĩ ra một cách: Chôn trên Sư Tử Sơn một ít tiền vàng để trấn yểm.

Số vàng này dùng để “trấn vương khí”, cũng là để đảm bảo không xuất hiện thêm một vị đế vương tranh giành thiên hạ. Sở vương nghe xong liền đồng ý, các vị đại thần nhanh chóng điều quân lên núi Sư Tử đào hầm trấn yểm.

Theo tập quán của hoàng gia, công trình kiến trúc xây dựng trên mặt đất gọi là “cung”, công trình ngầm dưới đất thì gọi là “lăng”. Như vậy, hầm có chôn theo vàng được gọi là “Kim Lăng”.

Tên gọi đầu tiên của Nam Kinh là “Kim Lăng ấp”. Ấp là đơn vị hành chính thấp hơn một bậc so với “châu”, cao hơn một bậc so với “huyện”. Còn “Kim Lăng” chính là xuất phát từ giai thoại trấn yểm của Sở vương.

Tần Thủy Hoàng chặt đứt long mạch cố đô?

trấn yểm, phong thủy, Nam Kinh,

Tần Thủy Hoàng đã từng hạ lệnh “chặt gãy” núi Phương Sơn để cắt đứt long mạch của Nam Kinh.

Vào năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đi tuần Kim Lăng. Trong lúc Tần Thủy Hoàng bị cái thế “long bàn hổ cứ” của vùng đất này thu hút, hai vị đạo sĩ đi cùng sắc mặt lại vô cùng nặng nề.

Khi ấy, ông có hỏi: “Kim Lăng địa thế thuận lợi, cảnh sắc tráng lệ, hai ngươi vì sao lại trầm mặc như vậy?”

Hai vị đạo sĩ khi ấy mới lo lắng trả lời: “Kim Lăng địa thế hiểm yếu, khí thế tràn đầy, lại nằm trên long mạch, vương khí vô cùng vượng, nếu không có đối sách, năm trăm năm sau sẽ xuất hiện bậc Thiên tử”.

Tần Thủy Hoàng nghe vậy vô cùng lo lắng. Ông tự xưng là “Thủy Hoàng” – tức là Hoàng đế đầu tiên, lại muốn con cháu mình phải đời đời trị vì thiên hạ, sao có thể dễ dàng bỏ qua cho Kim Lăng – vùng đất sẽ sản sinh ra một đế vương khác?

Ngay sau đó, Tần Thủy Hoàng hỏi hai vị đạo sĩ về đối sách trấn yểm vùng đất này. Hai vị chỉ vào ngọn núi gần đó mà nói:

“Phương Sơn nằm ở phía Đông Nam Kim Lăng, đỉnh núi bằng phẳng như quan ấn, được gọi là ‘thiên ấn sơn’. Đó chính là ngọc ấn trời ban, quyết định sự thịnh suy và số phận của Kim Lăng. Chặt đứt long mạch ngọn núi này, chính là cắt đứt vương khí nơi đây.

Sau đó đổi dòng chảy của sông Hoài đi qua Kim Lăng, thông với Trường Giang, khiến cho sông Tần Hoài lấn át vương khí, bệ hạ có thể an tâm sở hữu ngôi báu đời đời”.

Ngay sau khi Tần Thủy Hoàng ra lệnh, quân đội được huy động để “chặt gãy” núi Phương Sơn, đổi dòng sông Hoài cho sông chảy qua địa phận Kim Lăng.

Tần Thủy Hoàng khi ấy thấy phía bắc có Sư Tử Sơn, Mã An Sơn, khí thế hùng vĩ nên đã ra lệnh “chặt gãy” cả hai tòa núi này. Sau đó, ông đổi tên Kim Lăng thành Mạt Lăng. Chữ “mạt” trong tên gọi này có hàm ý coi nơi đây chỉ là nơi nuôi ngựa.

Đương nhiên cả hai giai thoại trên vẫn chỉ là giả thuyết. Ngoài việc những vương triều định đô tại Nam Kinh vốn không hùng manh, còn có nguyên nhân sâu xa từ kinh tế, địa lý, nhân văn,…

Dựa theo yếu tố địa lý, Nam Kinh một mặt tựa vào sông, ở vào thế “long bàn hùng cứ” (rồng cuộn hổ ngồi), dễ thủ nhưng khó công. Định đô ở nơi đây chỉ có thể “Thủ thành cầu an” (bị động phòng thủ), chứ không thể tiến công chiếm đóng mở rộng.

Hơn nữa, Nam Kinh nằm ở góc Đông Nam Trung Quốc, ngăn cách gần như biệt lập với phía bắc bởi “lạch trời” Trường Giang, nên cũng gặp nhiều khó khăn.

Ngoại trừ yếu tố địa lý, kinh tế, bản thân những vị vua từng đóng đô ở đất Nam Kinh không có đủ thực lực và quyết tâm thống nhất Trung Nguyên. Rất có thể đây mới là nguyên nhân chính khiến cho sáu vương triều đóng đô trên mảnh đất này đều “đoản mệnh”.

TinhHoa tổng hợp